top of page
  • Facebook
  • YouTube

​Vấn đề giác quan ở trẻ rối loạn phổ tự kỷ

Các vấn đề về giác quan thường gặp ở những người mắc chứng tự kỷ và thậm chí còn được đưa vào tiêu chuẩn chẩn đoán chứng rối loạn phổ tự kỷ. Mỗi người tự kỷ là duy nhất, và điều này bao gồm sự nhạy cảm về giác quan của cá nhân họ.

Những người mắc chứng tự kỷ có thể nhạy cảm với:

  • Thị giác

  • Thính giác

  • Khứu giác

  • Vị giác

  • Xúc giác

  • Thăng bằng (tiền đình - vestibular)

  • Nhận thức về vị trí và chuyển động của cơ thể (cảm giác bản thể - proprioception)

  • Nhận thức về các tín hiệu và cảm giác bên trong cơ thể (interoception)

 

Người tự kỷ có thể trải qua cả quá nhạy cảm - hypersensitivity (phản ứng quá mức) và kém nhạy cảm - hyposensitivity (phản ứng kém) với một loạt các kích thích. Nhiều người có sự kết hợp của cả hai.

 

Nhiều người tự kỷ bị quá nhạy cảm - hypersensitivity với ánh sáng chói hoặc một số bước sóng ánh sáng nhất định (ví dụ: đèn huỳnh quang). Một số âm thanh, mùi, kết cấu và vị cũng có thể gây choáng ngợp. Điều này có thể dẫn đến việc né tránh cảm giác (sensory avoidance) - cố gắng tránh xa những kích thích mà hầu hết mọi người có thể dễ dàng điều chỉnh. Lảng tránh cảm giác có thể giống như tránh xa sự đụng chạm cơ thể, che tai để tránh âm thanh lớn hoặc không thể đoán trước hoặc tránh một số loại vải, loại quần áo.

 

Kém nhạy cảm - hyposensitivity cũng phổ biến. Điều này có thể trông giống như một nhu cầu di chuyển liên tục; khó nhận biết các cảm giác như đói, bệnh tật hoặc đau đớn; hoặc thu hút tiếng ồn lớn, đèn sáng và màu sắc rực rỡ. Những người kém nhạy cảm - hyposensitivity có thể tham gia vào việc tìm kiếm cảm giác (sensory seeking) để nhận được nhiều cảm giác hơn từ môi trường xung quanh. Ví dụ, những người mắc chứng tự kỷ có thể kích thích các giác quan của họ bằng cách tạo ra tiếng động lớn, chạm vào người khác hoặc đồ vật, hoặc đung đưa qua lại.

 

Có vấn đề về giác quan thì cảm thấy như thế nào?

Có sự nhạy cảm độc đáo với một số loại đầu vào của giác quan có thể tạo ra những thách thức trong các tình huống hàng ngày như tại trường học, cơ quan hoặc môi trường cộng đồng. Đối với một người quá nhạy cảm - hypersensitivity, có thể tốn rất nhiều công sức nếu cả ngày ở dưới ánh đèn huỳnh quang, đi lại trong một không gian đông người hoặc trò chuyện trong phòng có tiếng ồn xung quanh. Điều này có thể làm kiệt quệ về mặt thể chất và tinh thần và có thể khiến người đó cảm thấy quá kiệt sức để làm những công việc quan trọng khác.

 

Nhiều người tự kỷ sử dụng hành vi tự kích thích (stimming) như một hình thức tìm kiếm cảm giác (sensory seeking) để tìm cách giữ cho hệ thống giác quan của họ cân bằng. Các cử động, âm thanh hoặc “ngọ nguậy” (fidgeting) lặp đi lặp lại có thể giúp người tự kỷ bình tĩnh, giảm căng thẳng hoặc chặn đầu vào giác quan gây khó chịu.

 

Tuy nhiên, việc di chuyển liên tục đôi khi có vẻ không phù hợp hoặc gây gián đoạn trong một số môi trường nhất định (như nơi làm việc), vì vậy người tự kỷ thường cảm thấy như họ cần phải kiềm chế hành vi tự kích thích (stimming) của mình. Khi điều này xảy ra, nó ngày càng trở nên khó khăn hơn để tự điều chỉnh, dẫn đến quá tải cảm giác (sensory overload), hoặc kiệt sức.

 

Quá tải cảm giác (sensory overload) xảy ra khi một kích thích giác quan mạnh cường độ cao lấn át khả năng đối phó của bạn. Điều này có thể được kích hoạt bởi một sự kiện đơn lẻ, chẳng hạn như một tiếng ồn lớn bất ngờ hoặc nó có thể tích tụ theo thời gian do nỗ lực đối phó với sự nhạy cảm của các giác quan trong cuộc sống hàng ngày. Quá tải cảm giác (sensory overload) có thể cảm nhận như việc lo lắng dữ dội, muốn thoát khỏi một tình huống hoặc gặp khó khăn trong giao tiếp. Khi bộ não phải dồn tất cả các nguồn lực của mình vào quá trình xử lý giác quan, nó có thể tắt các chức năng khác, như lời nói, ra quyết định và xử lý thông tin.

 

Có các vấn đề về giác quan thì trông như thế nào?

Nhiều người tự kỷ thể hiện một số hành vi nhất định khi họ gặp vấn đề về giác quan:

  • Gia tăng chuyển động, chẳng hạn như nhảy, quay tròn hoặc đâm vào đồ vật

  • Tăng hành vi tự kích thích (stimming), chẳng hạn như vỗ tay, tạo ra tiếng động lặp đi lặp lại hoặc lắc lư qua lại

  • Nói nhanh hơn và to hơn, hoặc hoàn toàn không nói

  • Che tai hoặc mắt

  • Khó nhận biết các cảm giác bên trong như đói, đau hoặc nhu cầu đi vệ sinh

  • Từ chối hoặc khăng khăng đối với một số loại thực phẩm hoặc quần áo

  • Thường xuyên nhai những thứ không phải thức ăn

  • Thường xuyên chạm vào người khác hoặc chơi thô bạo

  • Khó giao tiếp hoặc phản hồi vì não bộ dồn nguồn lực để xử lý đầu vào của giác quan (ngưng hoạt động - shutdown)

  • Cảm xúc leo thang, choáng ngợp hoặc cần phải thoát khỏi một tình huống (khủng hoảng - meltdown)

 

Điều ứng (accommodations) cho các vấn đề liên quan đến giác quan

Hiểu và đáp ứng các vấn đề liên quan đến giác quan có thể giảm bớt sự khó chịu và tăng cơ hội cho người tự kỷ học hỏi, hòa nhập xã hội, giao tiếp và tham gia vào cộng đồng. Điều ứng (accommodations) có thể có nghĩa là sửa đổi môi trường, sử dụng các công cụ và chiến lược, hoặc tạo ra các thói quen hoặc lịch trình mới. Vì nhu cầu giác quan phụ thuộc vào môi trường, nên các điều ứng (accommodations) có thể cần được điều chỉnh cho phù hợp với từng môi trường.

 

Ví dụ về các biện pháp điều ứng cho quá nhạy cảm (accommodations for hypersensitivity):

  • Sử dụng tấm che sáng, kính râm hoặc mũ khi ở dưới ánh đèn huỳnh quang

  • Đeo nút tai hoặc tai nghe trong môi trường ồn ào

  • Làm việc trong không gian có cửa đóng kín hoặc tường cao

  • Tránh các sản phẩm có mùi mạnh

  • Chọn thức ăn tránh kết cấu, nhiệt độ hoặc gia vị mà người quá nhạy cảm không thích

  • Mặc quần áo mềm mại, thoải mái

  • Điều chỉnh lịch trình để tránh đám đông

 

Ví dụ về các biện pháp điều ứng cho kém nhạy cảm (accommodations for hyposensitivity):

  • Hỗ trợ trực quan cho những người gặp khó khăn trong việc xử lý thông tin bằng lời nói

  • Sử dụng đồ chơi xả stress (fidget toys), dụng cụ để nhai (chewies) và các công cụ giác quan khác

  • Sắp xếp đồ đạc để mang lại không gian mở, an toàn

  • Có những khoảng nghỉ vận động thường xuyên trong ngày

  • Ăn thức ăn có hương vị mạnh hoặc kết cấu hỗn hợp

  • Sử dụng chăn/mền, miếng đệm đùi hoặc quần áo nặng để tạo áp lực sâu

Tài liệu tham khảo:

1. Autism Speaks. Sensory Issues. https://www.autismspeaks.org/sensory-issues

bottom of page